Page Nav

HIDE

Breaking News:

latest

Ads Place

Cần có một chiến lược mới cho báo in

TRƯỚC SỰ CẠNH TRANH KHỐC LIỆT CỦA TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN CẦN CÓ MỘT CHIẾN LƯỢC MỚI CHO BÁO IN Trích từ: http://my.op...


TRƯỚC SỰ CẠNH TRANH KHỐC LIỆT CỦA TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN

CẦN CÓ MỘT CHIẾN LƯỢC MỚI CHO BÁO IN



Trích từ: http://my.opera.com/whiterabbits/blog/show.dml/2693732




Báo in ra đời sớm nhất trong các loại hình thông tin, là anh cả của lĩnh vực truyền thông. Từ sự vận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, báo in đã hoàn toàn thay đổi về công nghệ và quy trình làm báo. Nó đã ngày càng hiện đại hơn về nội dung và hình thức trình bày. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt của các phương tiện thông tin giải trí nghe nhìn (radio, tivi, internet…), báo in đã thu hẹp quy mô cũng như phạm vi và tầm ảnh hưởng của nó. Nhất là với sự xuất hiện của internet, vai trò của báo chí truyền thống, đặc biệt báo in bị xoay 1800. Cần phải làm gì để loại hình báo in có thể đương cự lại trước sự cạnh tranh khốc liệt của truyền thông đa phương tiện?

Góc độ đánh giá 

Trách nhiệm “Cần phải làm gì để loại hình báo in có thể đương cự lại trước sự cạnh tranh khốc liệt của truyền thông đa phương tiện?” quả là nặng nề cho đội ngũ những người công tác tại cơ quan báo in. Mỗi một vị trí, mỗi một bộ phận sẽ tự tìm cho mình một hướng đi phù hợp để cứu vãn trước xu hướng thực tế của báo in. Riêng tôi, với vai trò là một phóng viên của báo in, tầm nhìn và khả năng đánh giá, đề xuất ý kiến của tôi xin được phép chỉ “loanh quanh” trong khuôn khổ ấy. Trách nhiệm của tôi, trách nhiệm một phóng viên của tòa soạn báo in!

Xét tình hình thực tế tồn tại của báo chí Việt Nam, thì báo in đang phát triển cả chất lượng và số lượng. Chất lượng ở nội dung thông tin, sự da dạng về thể loại thông tin và sự hấp dẫn về hình thức. Số lượng càng rõ hơn! Ngoài các tờ báo phổ biến như nhật báo, báo cách nhật, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san… từ trung ương đến địa phương. Các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp đều xuất bản riêng cho mình một ấn phẩm báo chí. Thậm chí, cơ quan báo nói, báo hình cũng “lấn sân”, cho ra tờ báo in. Chẳng hạn, Đài Tiếng nói Việt Nam thì có cuốn Nội san, nhật báo Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam thì có Tạp chí VTV; Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh có Tạp chí HTV… Đó là chưa kể sự tăng nhanh về số lượng phát hành trong từng tờ báo. Hiện nay, báo Công An phát hành khoảng 650.000 bản/kỳ, báo Tuổi Trẻ từ 400.000 đến 450.000 bản/kỳ, báo Thanh Niên từ 350.000 đến 400.000 bản/kỳ…

Thế thì tại sao nói: “Cái chết của báo in – một cái chết đã được dự báo trước”?

Có thể khẳng định đây là xu hướng chung của báo in trên thế giới. Một tác giả nước ngoài đã phác họa một cách buồn cười rằng “viễn cảnh của báo in chỉ dùng đập ruồi thôi!”. Nói như vậy cũng có cơ sở đấy chứ! Bởi thực tế, báo in đang đi vào con đưởng khủng hoảng và là khó khăn chung của thế giới. Một minh chứng cho thấy rằng thời gian gần đây, báo in ở Mỹ có khuynh hướng suy giảm rõ rệt. Nếu như ở Mỹ, năm 1960 có 58,8 triệu bản/ngày; năm 1970: 62,1 triệu; năm 1980: 62,2 triệu; năm 1990: 62,3 triệu; thì năm 2000 chỉ còn có 55,8 triệu bản/ngày.

Báo chí Việt Nam có những nét đặc trưng rất riêng, dường như có sự khác biệt với với báo chí Thế giới. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam nói chung, báo in nói riêng cũng chịu ảnh hưởng rất lớn trước sự khủng hoảng đó. Trong mối tương quan của các phương tiện truyền thông thì thấy rõ rằng báo in thua kém về phương diện cập nhật thông tin nhanh chóng so với phát thanh, truyền hình và đặc biệt so với internet. Ví như một trận bóng đá diễn ra sau 23 giờ thì nhật báo cũng phải chào thua (nếu như không nói việc phải ra thêm phụ bản vào 8 giờ sáng). Còn radio, tivi thì huyên thuyên “vừa mới đây”, “theo thông tin nhanh nhất”… Chưa kể internet thì tự hào cung cấp thông tin “nóng hổi” chỉ bằng chú thích với ba từ “5 minute ago”.

Bên cạnh đó, báo in cũng chịu chung số phận với sự mai một của “văn hóa đọc” so với “văn hóa nghe, nhìn”. Xã hội hiện đại, công nghệ thông tin hiện đại, thế hệ trẻ tiếp cận nhanh chóng. Thực tế đáng báo động là các bạn trẻ đã lên mạng và không bao giờ quay lại với báo in.

Thế thì tôi, người trong cuộc “làm thế nào để loại hình báo in có thể đương cự lại trước sự cạnh tranh khốc liệt của truyền thông đa phương tiện”?




Mỗi phóng viên là một cứu cánh cho báo in



Một tác giả nước ngoài viết: “Những nhà báo không chỉ có nhiệm vụ viết ra những bài báo hay mà còn phải “cứu” cả tòa soạn… Dù có vẻ to tát nhưng thật sự là chúng ta đang phải cứu cả nền báo chí”. 
Nói báo in mất đi, thiết nghĩ còn lâu. Ngay khi sự ra đời của phát thanh, người ta đã tiên đoán cái chết của báo in. Rồi khi truyền hình ra đời, mọi người lại tiếp tục tiên đoán cho cái chết của phát thanh. Nay, với sự bùng nổ của internet, ta tiên đoán gì cho truyền hình khi mà báo in và phát thanh vẫn “sống sờ sờ” ra đấy. Nói thế không có nghĩa là để những người làm báo in chủ quan thái quá. Bởi “sống” trong sức ép của truyền thông đa phương tiện không phải dễ dàng gì. Nếu không bám vào thực tế để chọn một hướng đi phù hợp thì tôi nghĩ sự “tồn tại” đó cũng là mờ nhạt, què quặt. Như vậy, nhất thiết phải có một chiến lược mới cho báo in, phải tạo cứu cánh để báo in tồn tại và phát triển. Minh chứng là trong lĩnh vực phát thanh, để làm mới mình, để chống lại sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt đó, tháng 9/2008 này, VOV sẽ cho ra mắt kênh phát thanh có hình.

Mỗi một phương tiện truyền thông đều có ưu và khuyết điểm của nó. Báo in cần triệt để khai thác ưu thế của mình khi mà các phương tiện truyền thông đa phương tiện cần phải có trang thiết bị, các điều kiện dịch vụ tương ứng vốn là gánh nặng tài chính khi công chúng tiếp cận. Thực tế, truyền hình, internet còn kén chọn đối tượng phục vụ, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam, thì báo in tin rằng vẫn còn chỗ đứng trong lòng công chúng. Chớ tự tin quá mức! Mỗi người cần phải bắt tay vào “giúp” báo in đương cự với các phương tiện truyền thông đa phương tiện. Ai biết được trong cuộc cách mạng “xa lộ thông tin” thì chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng ít nhất báo in cũng sẽ kéo dài tuổi thọ của mình hơn nữa.


Về phương diện nội dung: 

Vậy thì, với phóng viên, viết vì độc giả hay vì tờ báo? Nếu nói vì độc giả, tôi sẽ bị phản bác ngay bởi độc giả của báo in đang giảm mạnh.

Thực tế, báo in vẫn có vai trò quan trọng với một số lượng độc giả lớn, nhất là những độc giả trung niên khi mà họ có một tầm nhìn khá rộng, nhiều chiều. Vậy bài viết trên báo in cần phải nâng cao về chất lượng, phản ánh thông tin trung thực, có chiều sâu, có bình luận, đánh giá. Điều đó rất cần thiết khi mà vì tính cấp thời radio và tivi mới chỉ phản ánh khái quát. Độc giả sẽ chủ động đến với báo in để chiêm nghiệm, để nhận định vấn đề một cách sâu sắc hơn, hả hê hơn.

Báo in cần cung cấp các dạng bài tổng hợp và có phân tích sâu sắc, đăng tải những hình ảnh có chất lượng cao, khai thác những bài viết có chủ đề gần gũi với người đọc. Nhiệm vụ này là của phóng viên chứ không của ai khác. Nên nhớ rằng: tờ báo phải nghĩ đến đối tượng phục vụ. Tính đại chúng của báo chí là ở vấn đề đó.
Báo in chứ không phải loại hình truyền thông nào khác có thế mạnh phải ánh thông tin hai chiều. Ngày nay, tính đại chúng trên báo in là rất rõ. Công chúng vừa là nhân tố tiếp nhận thông tin, vừa là nhân tố cung cấp thông tin. Vai trò của công chúng ở báo in rất là quan trọng. Nên chăng báo in phát huy thế mạnh này để giữ vững số lượng độc giả đồng hành cùng với mình. Đơn cử, trong năm 2008, năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, công chúng có thể viết bài phản ánh, chụp vài tấm hình tại địa phương mình sinh sống gửi cho báo, dù tuyên dương hay phê phán cũng được báo in tiếp nhận. Truyền hình thì phải cầu kỳ, bài bản và chuyên môn hơn. Công chúng thấy mình có vai trò thiết yếu và dễ dàng là độc giả trung thành của báo in…

Để chất lượng bài viết nâng lên thì yêu cầu đặt ra rất lớn là ở đội ngũ biên tập viên và đội ngũ phóng viên. Họ là ai? Họ là những người như hế nào? Phải chăng nâng chất lượng nội dung tờ báo bằng cách nâng số lượng đội ngũ này? Thực tế không phải thế! Trước sự khủng hoảng chung của báo in, các tòa soạn đều giảm số lượng người làm báo. Ở Mỹ, năm 2000, tờ New York Times đã cắt giảm khoảng 3000 lao động. Ở Việt Nam, có lẽ cũng thế. Chẳng hạn, hiện nay báo Pháp Luật TP.HCM đang “vươn lên”, tăng kỳ phát hành nhưng đội ngũ phóng viên rất mỏng. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhân lực ít, công việc thì nhiều. Điều đó không có gì là khó hiểu khi mà các tòa soạn điều đặt ra yêu cầu rất cao với phóng viên. Phóng viên phải viết tốt, vững chuyên môn và làm việc trong nhịp độ môi trường cao. Điều quan trọng mà tòa soạn cần là năng suất lao động và chất lượng lao động. Vì thế, các báo đang ráo riết xây dựng đội ngũ biên tập viên giàu năng lực, khéo léo trong tổ chức mạng lưới cộng tác viên và đồng thời tăng cường nhiều cây bút trẻ. Thế nhưng, sinh viên báo chí ra trường tìm chổ cạnh tranh cũng rất khó. Báo Pháp Luật tuyển sinh viên tốt nghiệp trường Luật; các báo ngành tuyển người trong ngành rồi đào tạo viết báo sau, Tạp chí Nhà Đẹp tuyển sinh viên kiến trúc, sinh viên khoa học tự nhiên; Cẩm nang Mua sắm tuyển người tốt nghiệp maketting; Sài Gòn Times tuyển sinh viên ngoại ngữ… Vì vậy, phóng viên phải trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đó là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay. Không phải cho chính phóng viên tồn tại mà còn cho sự tồn tại của báo in. Bên cạnh đó, báo in cần thiết tạo cho mình một thương hiệu bằng nhiều hình thức, chẳng hạn có nội dung mới, nội dung khác để thu hút độc giả, phát triển những chuyên mục đồng hành cùng sự phát triển của xã hội.


Về phương diện hình thức:

Theo tin đăng trên Tuần Việt báo, cuối tháng 3/2008, tờ New York Times (Mỹ) đang rơi vào cuộc khủng hoảng, phải cắt giảm khổ báo. Xu hướng giảm khổ báo in xuất hiện ở phương Tây. Việc giảm khổ báo khiến cho ấn bản trở nên gọn, thuận tiện và hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Đây cũng có thể là cách chung cho cả báo in thế giới, trong đó có báo in Việt Nam. Ví như tờ Nhân Dân và tờ Sài Gòn Giải phóng, đây là sự bất tiện cho độc giả.

Mặt khác, các tòa soạn cần đầu tư về phương diện trang thiết bị kỹ thuật. Ví dụ như vào năm 1996, Tòa soạn báo Tuổi trẻ nhập của Đức một máy in có công suất 60 ngàn bản/giờ, đến nay đã xem như lạc hậu. Cách đây 3 tháng, Tuổi trẻ đã nhập thêm một số máy mới nữa. Trong cuộc chạy đua của báo in để tiếp tục tồn tại và phát triển, tất nhiên có nhiều sự chọn lựa nhưng đây là cách chọn lựa khả quan nhất. Dự báo cho sự phát triển của báo in, người ta còn cho rằng tương lai báo in không còn in trên giấy mà trên một bản từ đặt tại từng gia đình, mỗi ngày chữ viết thông tin cũ bay hết và thay vào đó là những thông tin mới. Tất cả còn chờ ở sự phát minh mới về phương diện kỹ thuật.




Tôi tâm đắc ý kiến này của một tác giả nước ngoài: “Tôi hy vọng vào báo in cũng như những ngành công nghiệp khác đang gặp khủng hoảng sẽ tìm ra chiến lược mới”. Chiến lược đó như thế nào còn phụ thuộc vào tình hình mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Tuy nhiên, cần có một chiến lược, đó là yêu cầu cấp bách hiện nay. Tôi nghĩ rằng mỗi lần thất bại, chúng ta một lần lùi bước, lùi để tiến hay lùi để đi vào quên lãng? Tôi - những người lạc quan, tôi tin vào một tương lai tươi sáng của báo in.



Tóm lại, sự lựa chọn tất yếu cho báo in hiện nay thay vì mở rộng quy mô, đội ngũ người làm báo thì các tòa soạn đầu tư về phương tiện kỹ thuật, trình độ chuyên môn, trình độ tay nghề, đổi mới nội dung và phương thức đưa tin, đó là “nước cờ” cuối cùng của báo in./.

THE END

Không có nhận xét nào

Latest Articles