Page Nav

HIDE

Breaking News:

latest

Ads Place

Chia sẻ kinh nghiệm học và làm văn

Chia sẻ kinh nghiệm học và làm văn Phần A: Làm thế nào để ghi nhớ kiến thức hiệu quả?  Phần B: Làm thế nào để viết được bài văn nghị ...

Chia sẻ kinh nghiệm học và làm văn

Phần A: Làm thế nào để ghi nhớ kiến thức hiệu quả? 
Phần B: Làm thế nào để viết được bài văn nghị luận xã hội thuyết phục người đọc? 
Phần C: Làm tốt bài Nghị luận văn học 
Phần phụ lục: các tài liệu tham khảo. 




Phần A: Làm thế nào để ghi nhớ kiến thức được tốt? 
Nhắc đến môn Văn, nhiều người sẽ nghĩ nó là một môn học thuộc thuần tuý. Đó là quan niệm sai lầm, không phải chỉ Văn mà rất nhiều môn khác, đặc biệt các môn Xã hội cũng đều cần có sự tư duy, đều cần trí thông minh và một chút năng khiếu. Và để rèn luyện được những điều này thì không khó. Tất nhiên cũng sẽ có những phần kiến thức phải học thuộc lòng, nhưng không phải là học vẹt. Học vẹt sẽ chỉ khiến chúng ta mất thời gian, dễ nản, ngại học và dễ nhầm lẫn kiến thức mà thôi. 

Không phải ngẫu nhiên người ta lại sắp xếp, biên soạn các kiến thức trong sách như thế, giữa chúng có những mối liên hệ, từng vấn đề một có những đặc trưng riêng, vấn đề  lớn móc nối với vấn đề nhỏ, do đó nếu nắm được các đặc trưng cơ bản (khung xương) của toàn bộ chương trình và sự liên kết giữa chúng là mình đã nắm được toàn bộ vấn đề rồi đó. 

Các cấp độ cần đạt tới khi học văn: thấp nhất là nắm được kiến thức cơ bản, sau đó là làm thế nào để viết được hay, và cao nhất là làm thế nào để bài văn có giọng điệu riêng, có chiều sâu có điểm nhấn. 

Phần này sẽ giúp các bạn từng bước một nắm vững các kiến thức cơ bản của toàn bộ chương trình. Một khi nắm thật vững kiến thức cơ bản, chúng ta có tâm lý tự tin khi vào phòng thi, câu hỏi 2 điểm sẽ không còn đáng sợ, và chưa cần biết bài viết có hay hay không, bài viết phải đảm bảo đúng và đầy đủ ý, được như thế không lo bài thi dưới điểm 6. Vậy phải học những gì và như thế nào? 

Chúng ta sẽ đi từ bao quát nhất đến cụ thể (như sơ đồ tư duy): 
- Tổng quan nền văn học Việt Nam: gồm 2 bộ phận (văn học dân gian và văn học viết); các giai đoạn của văn học viết: văn học Trung đại (thế kỷ X đến XIX). (Phần này không thi nhưng nên học để dễ so sánh); giai đoạn từ đầu thể kỷ XX đến năm 1945 (văn học hiện thực: phê phán và trào phúng; văn học lãng mạn: thơ Mới, văn xuôi lãng mạn, tác phẩm của Tự lực văn đoàn...); văn học Cách Mạng 1945 – 1975 (Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ); văn học sau 1975. 

- Khi đã nắm được các thời kỳ lớn, ta sẽ đi vào gạch ý đặc trưng mỗi thời kỳ(hoàn cảnh (hết sức ngắn gọn), đặc trưng văn học – hệ thống quan điểm tư tưởng của giai đoạn đó, đặc trưng nghệ thuật – bút pháp nghệ thuật sử dụng chủ yếu...); sau đó là chia các tác giả đã được học vào từng thời kỳ (hoặc chia tác phẩm). 

Thuộc được đến đoạn này sẽ giúp chúng ta không dễ xảy ra trường hợp khi phân tích tác phẩm chứng minh cho văn học thời kỳ chống Pháp lại lấy “nhầm” tác phẩm của chống Mỹ.

- Cũng “lớn” ngang bằng các thời kỳ văn học, chúng ta có những chuyên đề như: Thơ Mới, văn học hiện thực, phong cách nghệ thuật của tác giả, các tác giả văn học lớn.....(những phần này có đầy đủ trong sách giáo khoa Ngữ văn 11, 12 Nâng cao), với mỗi chuyên đề như thế chúng ta cũng cần nắm những ý chính. 

Việc nắm những ý khái quát giúp được gì cho chúng ta? Thứ nhất, hiểu đặc trưng mỗi thời kỳ mỗi thể loại. Thứ hai, có thể dễ dàng lý giải, phân tích vào tác giả, tác phẩm. Ví dụ nếu hiểu Thơ Mới được ra đời trong thời kỳ chúng ta không được làm chủ đất nước (30-45), sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến nhiều bất công, ngột ngạt và kiềm toả mọi khát khao dù là bình dị nhất của con người, chúng ta có thể hiểu vì sao thơ Huy Cận lại có một nỗi “sầu vạn kỷ” đến như vậy, tại sao Xuân Diệu lại sống vồ vập, sống mãnh liệt, yêu cuồng nhiệt như thế... Dù biểu hiện ở hình thái nào đi chăng nữa, các tác giả cũng cho chúng ta thấy được tình yêu và sự trân trọng đối với cuộc sống. Suy cho cùng thì có khát khao sống, có trân trọng 

cuộc sống này mới thấy “ảo não” khi đất nước, khi chính mình chưa tìm được lối đi riêng... Hiểu được đặc trưng mỗi thời kỳ mới thấu, tại sao văn học Cách mạng lại ca ngợi những con người anh hùng, trong khi văn học sau 75 lại nhìn con người ở góc độ đa chiều hơn, đa diện hơn: con người dù xấu xí thô kệch nhưng vẫn mang trong mình những phẩm chất đáng trân trọng nhất;....

- Sau khi nắm được các ý cơ bản về giai đoạn, về từng mảng chuyên đề lớn, về các tác giả lớn thì đi vào tác giả, tác phẩm cụ thể (những tác giả tác phẩm này đã được xếp theo giai đoạn). Dù học theo tác giả hay tác phẩm thì cũng cần nắm được những ý cơ bản: 
+về tác giả: cuộc đời, sự nghiệp, phong cách. Đừng chủ quan ở cuộc đời tác giả, vì chính những gì ông trải qua đã hình thành nên phong cách, ngòi bút của ông. Khi hiểu, nắm được phong cách tác giả thì sẽ dễ dàng soi vào tác phẩm, dễ dàng phân tích, lý giải. Lưu ý, học trong sự so sánh, giữa các tác giả của cùng 1 giai đoạn, trường phái, cùng viết về 1 chủ đề, cùng sử dụng 1 tín hiệu nghệ thuật; và cùng 1 tác giả đó nhưng có sự khác nhau, trưởng thành và thống nhất phong cách qua từng thời kỳ (trước – sau 1945; trước – sau 1975) 

+ về tác phẩm: nắm vững tác giả của tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, nội dung chính, đặc sắc nghệ thuật, cái mới về nội dung tư tưởng, cái độc đáo trong phong cách tác giả. Lưu ý so sánh các tác phẩm cùng giai đoạn cùng để tài hoặc cùng tác giả với nhau. 

+ đối với thơ thì phải thuộc cả bài thơ, với văn hãy thuộc những hình ảnh, câu văn, đoạn văn độc đáo, đặc sắc. 

Tóm lại, từ giai đoạn – học đặc trưng giai đoạn; trong giai đoạn đó có các trường phái tiêu biểu – học đặc trưng trường phái , trong các trường phái có tác giả tiêu biểu – nhớ được phong cách tác giả, nhớ được tác phẩm, dẫn chứng về tác phẩm. 

Tại sao nói sơ đồ tư duy như vậy nhưng chúng mình không làm sơ đồ tư duy ở đây? Bởi lẽ chúng mình muốn khuyến khích các bạn TỰ hệ thống lại các kiến thức này, dựa vào các nguồn tài liệu của các bạn. Bao giờ những điều mình đọc – hiểu rồi viết lại theo trí nhớ và ý hiểu cũng sẽ giúp chúng ta nhớ được nhanh nhất và lâu nhất ^^. Khi các bạn hệ thống lại những kiến thức theo ý quan trọng, theo sơ đồ tư duy, cố gắng dành thời gian làm xong nó trước rồi dành thời gian học, khi hệ thống ta đi từ ý to đến ý nhỏ, nhưng lúc ôn thì học ngược lại. Những buổi đầu sẽ học nhiều, theo kiểu hình trôn ốc ý, học thu từ đáy tháp đến đỉnh tháp, buổi này chỉ cần học khoảng 60% khối lượng định sẵn, buổi sau ôn lại và học thêm mới. Như vậy, dần dần khi thấm và nhớ được kiến thức thì thời gian bạn ôn bài của buổi trước sẽ giảm xuống, và đến lúc leo lên đỉnh tháp rồi thì bạn dễ dàng “nhìn lại” những gì đã học được, lúc này bạn có thể tự đọc ra cái sơ đồ lúc đầu đã làm mà không cần nhìn vào nó. Nghĩa là 3 lượt, 1 lượt viết (trong lúc đó tranh thủ nhớ) từ đầu đến cuối từ to đến bé, từ khái quát đến chi tiết, lượt thứ 2 học kỹ ở cái chân tháp (học tác phẩm, tác giả) rồi lui lên dần ngọn tháp, lượt thứ ba thì lúc này bạn chỉ cần huy động trí nhớ của mình lại một lượt rất nhanh nữa thôi. Khiviết sơ đồ, hệ thống ý, chú ý nên viết vào những quyển sổ, tập giấy mà dễ dàng mang theo bên người để có thể học bất cứ lúc nào. Nhìn vào nó rõ ràng sẽ đỡ nản hơn 1 chồng sách vở đúng không nào? 

- Cấp độ cao nhất của việc ghi nhớ kiến thức đó là chủ động đọc, nhớ được những kiến thức bên ngoài tác phẩm được học trong chương trình. Nó là những tác phẩm hay của cùng tác giả đó, là những tác phẩm có thể giúp chúng ta so sánh với tác phẩm trong chương trình, là những câu nhận định nổi tiếng về văn học, về các tác giả. Cái này cũng cần tập hợp lại trong một quyển “sổ tay văn học” để dễ dàng học, mỗi lần viết bài hãy đưa những tư liệu đó vào bài của mình, cũng là cách để mình “dùng” nó. 

- Bên cạnh đó chúng ta nên xây dựng các nhóm, tổ, hoặc cả lớp cùng làm các chuyên đề văn học, mỗi người một chuyên đề. Nó sẽ giúp mình hiểu hơn vấn đề, có hứng thú học hơn và tất nhiên là, có nhiều kiến thức hơn rồi ^^

- Chúng ta cũng nên tìm, sưu tầm những đề thi hay, vừa giúp mình định hướng những gì sẽ thi, những gì có khả năng không thi vào nữa, sau đó lập dàn ý đối với các đề (lập xong hãy “nhòm” đáp án nhé, bởi vì xem đáp án trước có thể hạn chế tư duy của mình, mình đôi khi với vấn đề tâm đắc có thể có những ý còn hay hơn đáp án cơ mà ^^), việc lập dàn ý là rất cần thiết, rèn cho chúng ta cùng lúc nhiều kỹ năng: đọc hiểu đề, tìm ý, tư duy logic, mạch lạch... nếu quen lập dàn ý thì không bao giờ sợ viết lan man hoặc không trúng ý, mình đã có định hướng rồi cơ mà? Và hơn nữa là hãy viết những đoạn, những đề mà bạn thấy tâm đắc rồi nhờ người có chuyên môn chỉnh sửa. Nó giúp chúng ta rèn được ngôn ngữ, cách diễn đạt, tự tin hơn khi viết. Tóm lại, muốn học được văn trước hết học những cái cơ bản nhất, không ở đâu xa, chính sách giáo khoa đã đầy đủ, chi tiết rồi. Học trong mối liên hệ giữa các phần sẽ dễ nhớ hơn (ví dụ, hiểu hoàn cảnh của từng giai đoạn sẽ hiểu tại sao con người trước năm 45 lại đáng thương, lại khổ sở, lại đáng cười, đáng căm phẫn như thế; tại sao con người giai đoạn 45 – 75 lại anh hùng, bất khuất, yêu nước như vậy, tại sao con người sau 1975 lại đa diện thế: rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần cùng với ác quỷ, người đàn bà xấu xí thô kệch nhưng tấm lòng nhân cách thì thật đáng trân trọng... Hiểu được đặc trưng vh giai đoạn kháng chiến luôn viết về những người anh hùng, cảm hứng sử thi và lãng mạn, viết về những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc... sẽ dễ dàng học những vấn đề xoay quanh tác phẩm thời đó....) Nghĩa là có những thứ tưởng như phải học thuộc mà hoá ra hiểu rồi sẽ tự thấm và nhớ rất lâu. Nên đừng ngại học văn. Hãy thử yêu thích nó. Đừng nghĩ nó là cái gì đó khô khan, xa vời, cũ kỹ, không cần thiết. Chính việc đọc và hiểu những tác phẩm kinh điển ấy giúp mình có cái nhìn toàn diện hơn với cuộc sống đấy các bạn ạ. Chúng ta biết xã hội muôn đời luôn tồn tại đủ mọi loại người, mọi bất công, luôn phức tạp; nhưng chính cái cuộc sống ấy có những khoảnh khắc những góc độ vẫn rất đẹp, vẫn rất đáng sống. Con người phức tạp và không ai “Rắn rết” hoàn toàn, họ có những nỗi khổ riêng mà nếu “ta không cố tìm mà hiểu họ” thì sẽ không biết cảm thông, trân trọng.... Văn học cho mình lớn và hiểu nhiều về cuộc sống lắm. Mình cũng tin trong mỗi bạn, chắc chắn chúng ta có sự yêu thích riêng, có thế mạnh riêng, có tâm đắc riêng với một thể loại, một tác giả, một tác phẩm hay thậm chí một câu văn câu thơ nhất định. Hãy cứ yêu nó đi, nó sẽ không phụ chúng ta đâu. Và yêu nó thì hãy hiểu nó, biến nó thành thế mạnh của mình, trong bài viết chắc chắn sẽ có chỗ đùng đến nó ^^ 

Phần B: Làm thế nào để viết bài Nghị luận xã hội có sức thuyết phục? 
Cá nhân mình thấy rằng cấu trúc của đề thi đại học bây giờ thực sự rất hợp lý, nó kiểm tra được toàn diện kiến thức và con người của chúng ta ^^ Bài nghị luận xã hội sẽ cho người đọc thấy con người, cách sống, quan điểm của mình trước một vấn đề gần gũi xung quanh ta dù là đạo lý hay hiện tượng xã hội. Học và làm tốt NLXH sẽ nâng cao kỹ năng, nghệ thuật sống của chính bản thân mình. 

- Muốn thuyết phục người khác trước hết phải làm người ta hiểu ý mình. Nghĩa là bài NLXH dù có là ý kiến của cá nhân đi nữa cũng không thể viết tuỳ tiện như tản văn hay nhật ký, vẫn phải đảm bảo đầy đủ các ý cơ bản, thao tác cơ bản của 1 bài NLXH. Chớ vội sợ mình lại phải học máy móc. Hãy hiểu đơn giản như: muốn nói chuyện thuyết phục người khác về một vấn đề, trước hết phải giải thích, miêu tả cho người ta hiểu vấn đề đó là gì, biểu hiện như thế nào; rồi đưa ra quan điểm của mình về vấn đề đó và bắt đầu thuyết phục người ta bằng lý lẽ và bằng chứng; sau đó phải chỉ cho người ta thấy chúng ta không nhìn vấn đề một cách phiến diện “vơ đũa cả nắm”, hãy lật đi lật lại vấn đề, so sánh, mở rộng, rút ra bài học, lời khuyên chung cho mọi người và cho chính mình... thì mới thuyết phục được người đọc. Sẽ có phần phản cảm nếu đó là bài viết quá chủ quan của mình, thiếu sự tương tác và “lắng nghe”. Tóm lại trước hết phải nắm rõ cách làm, thứ tự các bước của bài NLXH, và dù sáng tạo thế nào cũng phải bám vào cái khung có sẵn thì diều mới bay được. 

- Nắm chắc được cách làm bài chưa đủ, chúng ta phải có “vốn” để viết, đấy là vốn sống vốn trải nghiệm, nhưng cũng chưa đủ, đó còn là những gì chúng ta tìm tỏi và tích luỹ lại – đấy chính là dẫn chứng. Không thể thuyết phục người khác nếu chỉ lập luận suông, phải có bằng chứng đi kèm. Những dẫn chứng nên có ở cả 3 phương diện: người thật việc thật (những câu chuyện về những danh nhân nổi tiếng, những con người mà ai cũng biết và ngưỡng mộ...); những câu châm ngôn lời hay ý đẹp, câu thơ...; những câu chuyện nhẹ nhàng mà ý nghĩa về cuộc sống (như quà tặng cuộc sống, điều kỳ diệu từ trái tim, hạt giống tâm hồn, truyện ngụ ngôn....) (cái này chúng mình cũng có chuyên đề cung cấp dẫn chứng hỗ trợ các bạn) ^^ Không nên lấy dẫn chứng mơ hồ như “bác hàng xóm nhà em....”; không nên lạm dụng dẫn chứng ở lịch sử hay văn học; không nên kể câu chuyện của riêng mình nếu nó không thực sự “Đắt”. Dẫn chứng dù ở hình thức nào cũng không nên viết lan man, đưa dẫn chứng có chọn lọc để tránh loãng ý. 

- Bài viết NLXH là sự bày tỏ quan điểm, cách nhìn của cá nhân mình – một người trẻ tuổi với tương lai rộng mở phía trước, có cách nhìn tích cực với cuộc sống, giàu nhiệt huyết, có ước mơ, có đam mê, giàu lòng thương, dám dấn thân dám nghĩ dám làm dám thất bại, ham trải nghiệm, học hỏi, biết khiêm tốn – chứ không phải của một kẻ bước xuống từ mây, luôn mơ hồ và ảo tưởng về cuộc sống, hay của một người đã quá chai sạn và tiêu cực với cuộc đời, hãy viết bằng chính con người, cảm nhận của mình – không phải lên gân lên cốt, giáo điều, dạy đời; không nói những lý thuyết sáo rỗng phô trương xa rời thực tế và chỉ nói suông....hãy cho người đọc thấy, dù là quan điểm cá nhân, nhưng đọc bài của bạn người ta thấy cuộc đời này đáng sống, đáng để đặt niềm tin vào con người, đáng để đấu tranh mơ ước; hãy cho người đọc cảm giác “dễ chịu” khi đọc bài của bạn, và thấy cái tôi của bạn chứ không phải của một người khác. Bài viết sẽ thuyết phục hơn rất nhiều. Tất nhiên có những bài viết nói lên cái tôi và khiến người đọc trăn trở nhiều, những bài như thế cũng dễ chiếm cảm tình vì cá tính của bạn, song, đó phải thực sự là một ngòi bút sắc sảo, chứ không phải cố gắng để tỏ ra sắc sảo. ^^

- Tham gia nhiều hoạt động là cách trau dồi thái độ, quan điểm sống tích cực, có nhiều trải nghiệm để viết được NLXH tốt. Cùng với đó, chủ động tìm, ghi lại những câu chuyện ý nghĩa mà mình gặp trong cuộc sống, lúc đi đường, nghe cô giáo kể, lúc lên mạng đọc báo, lúc thời sự đưa tin.... (ghi lại để nhớ lâu, ghi lại và tự hỏi xem với cái dẫn chứng này mình có thể đưa vào những bài nào? Để lúc cần là “có ngay” ^^) Dẫn chứng nên được “cập nhật” và có độ mới (Ngày trước bàn về sự kiên trì cả đội tuyển văn của mình cùng lấy ông Edison =)))). Các vấn đề xã hội bạn cũng nên dành thời gian quan tâm, vì những vấn đề này không có kiến thức hiểu biết thực tế thì khó mà... “chém” lắm. ^^ 

- Nữa là dù vấn đề có khiến mình tâm đắc đến mấy đi chăng nữa khi viết cũng phải biết tiết chế vì thời gian không cho phép, tránh tình trạng viết “đầu voi đuôi chuột” 

Tóm lại, rất ngắn gọn: nắm chắc cách làm bài; nắm chắc yêu cầu của bài; tích cực trau dồi thu thập dẫn chứng; lập dàn ý trước khi làm bài (tránh sót ý, thấy được sự logic, thuyết phục, mạch lạc của các ý, tránh lan man, tránh trùng ý); làm bài có cảm xúc – viết bằng cái đầu lạnh nhưng trái tim nóng, viết bởi chính con người – bản thân mình, quan điểm phải rõ ràng, không được chung chung; bài viết nên có sự lật lại vấn đề, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau; dẫn chứng đưa vào cần chọn lọc, khớp với lập luận đưa ở trên và kết luận ở dưới, dẫn chứng đưa ra phải phân tích; cuối cùng biết phân bố thời gian hợp lý

Phần C: Làm tốt bài Nghị luận văn học. 
Bài nghị luận văn học là câu chiếm nhiều điểm nhất trong toàn bài thi của chúng ta, cũng đòi hỏi sự huy động kiến thức, hiểu biết, năng lực cảm thụ, phân tích, so sánh... tổng hợp rất lớn xoay quanh các vấn đề văn học. 

- Để làm được tốt bài trước hết cần nắm vững những kiến thức văn học cơ bản (tất tần tật những kiến thức kể ở phần A), đó là nền tảng để từ đó chúng ta triển khai bài; nắm vững cách làm bài, triển khai ý. 

- Các dạng đề cơ bản của câu NLVH: 
+ đưa ra một đoạn văn, một đoạn thơ đặc sắc, một chi tiết nghệ thuật và yêu cầu phân tích: dạng này cơ bản nhất, thường chỉ dùng cho thi tốt nghiệp 

+ so sánh: so sánh đoạn văn, đoạn thơ, so sánh phong cách giữa các tác giả, phong cách của tác giả qua các thời kỳ... Đã là bài so sánh thì luôn luôn tồn tại điểm chung và những điểm đặc sắc riêng của từng vấn đề. Làm sao để nổi bật được cái độc đáo của từng chi tiết, từng tác phẩm từng tác giả, bởi lẽ văn học là nghệ thuật của sự độc đáo. Phải hiểu rõ từng vấn đề mình cần so sánh, điểm chung của chúng là gì? Điểm đặc sắc? Lý giải điểm chung? Lý giải điểm khác biệt? Đánh giá chung. Nên phân tích mỗi vấn đề theo đặc điểm (tiêu chí so sánh) trong sự đối chiếu với nhau, chứ không phân tích dàn trải từng vấn đề một. Trong trường hợp khó để chia tiêu chí thì chúng ta có thể khéo léo phân tích từng vấn đề một. Lưu ý: vì từ tiêu chí, đặc điểm ta sẽ lấy dẫn chứng của tác phẩm, đoạn trích để phân tích làm sáng tỏ, do đó cần phân bố các dẫn chứng cho hợp lý, tránh bị trùng lặp khi phân tích. 

+ từ một ý kiến nhận định, lấy tác phẩm làm sáng tỏ. Đó có thể là nhận định về tác giả, nhận định về tác phẩm, nhận định chung về một vấn đề lý luận văn học; có thể người ra đề đã chỉ định cho chúng ta tác phẩm để phân tích, có thể nói chung chung “từ một tác phẩm viết về số phận người phụ nữ trong chương trình Ngữ văn 12, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên”. Với kiểu đề này, bao giờ chúng ta cũng phải giải thích ý kiến, nhận định đó, vận dụng kiến thức lý luận văn học, hiểu biết về tác giả để bàn bạc tính đúng đắn của nhận định rồi mới đi vào phân tích tác phẩm để chứng minh. Chính từ những ý chúng ta giải thích, bàn bạc xung quanh vấn đề đó mà mình dễ dàng có tiêu chí để chứng minh về sau, tránh phân tích tác phẩm lan man không có định hướng. Với những đề chưa giúp ta xác định tác phẩm thì cần phải hiểu rõ vấn đề mình cần làm sáng tỏ nhất ở đề này là gì, và tác phẩm, nhân vật nào có thể giúp mình đắc lực trong việc làm điều đó. Thường, nếu như đề bài không giới hạn số tác phẩm, số nhân vật, ta nên chọn khoảng 2 dẫn chứng, để làm nổi bật vấn đề, dễ so sánh tạo chiều rộng và sâu, cũng vừa tầm để viết trong thời gian hạn định. Dù là tự chọn tác phẩm hay đã được chỉ định thì cũng cần đảm bảo trước khi phân tích phải giới thiệu được tác phẩm, nhân vật đó; dựa vào các tiêu chí cần phân tích, chọn những đặc điểm dẫn chứng phù hợp nhất, “đắt” nhất. 

- Bài viết muốn có chiều sâu thì ngoài việc đảm bảo đúng, đủ các nội dung cơ bản, cần được sử dụng thêm kiến thức lý luận văn học một cách khéo léo, cần có sự liên hệ so sánh, trích dẫn lời bình của các tác giả nổi tiếng về vấn đề đang nghị luận, thể hiện được cách nhìn, cách cảm nhận riêng của người viết về vấn đề đang bàn bạc, có sự diễn đạt trôi chảy, giọng văn riêng, ngôn ngữ phong phú, sự lập luận chặt chẽ, thống nhất, có điểm nhấn (thể hiện ở việc chúng ta “đầu tư” viết thật hay, thật tâm đắc một ý nào đó, có ý kiến chủ quan của mình, có sự hệ thống và kết luận mang tầm khái quát..)  
- Các dẫn chứng khi được trích trong ngoặc kép phải tuyệt đối chính xác, nếu không nhớ nguyên văn thì sử dụng cách trích lẩn (trong khi diễn đạt lại ý của câu đó thì thêm những từ “khoá” mà câu nguyên mẫu tác giả sử dụng), các dẫn chứng phải đi kèm “nguồn” – tác giả là ai, trích ở đâu. Một kiểu trích dẫn chứng cũng khá ổn và an toàn đấy là “ai đó đã nói rằng, nghệ thuật vượt ra ngoài quy luật băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết...”; đưa dẫn chứng (đặc biệt là dẫn chứng ngoài tác phẩm, ngoài vấn đề đang bàn) thì không được lạm dụng, nó phải thực sự chọn lọc, phục vụ mục đích làm nổi bật vấn đề đang nghị luận; dẫn chứng đưa ra không nên trích dài và phải có đi kèm lời bình luận của mình (đây cũng là chỗ có thể tạo ra giọng văn cũng như điểm nhấn của bài).... 

- Từng luận điểm phải được viết thành đoạn, thậm chí nhiều đoạn nhỏ (thân bài mà viết thành một cục to đùng thì người đọc thấy rất mất cảm tình, bài cũng không rõ ý), mỗi đoạn nên được viết theo lối tổng – phân – hợp là tốt nhất, nhưng cũng nên có sự thay đổi linh hoạt giữa các đoạn, ví dụ đoạn trên viết theo lối diễn dịch thì đoạn dưới hãy quy nạp. Dẫn vào đoạn cần chú ý sự liên kết với đoạn trên, không nên viết khô khan như “thứ nhất là...đầu tiên là.....tiếp theo là...”, có thể mở đoạn bằng một dẫn chứng về thơ, về nhận định văn học. Bài viết ngoài bố cục rõ ràng cần lưu ý sự hô ứng và thống nhất giữa các phần, các ý. Nghĩa là luôn nhớ, bên trên đưa ra một luận điểm, bên dưới phân tích rồi lại có sự đánh giá chung, 
khẳng định lại lần nữa luận điểm đã đưa ra. 

- Mở bài nên được đầu tư một chút, nhưng cũng không vì thế mà quá cầu kỳ dẫn tới mất nhiều thời gian, dẫn tới ức chế khi làm bài. Bài văn có mở bài và kết bài đầu cuối tương ứng cũng là một cách gây ấn tượng tốt, sẽ tạo dư âm và cho thấy độ chuyên nghiệp trong bài viết. 

Kết luận chung: 

Muốn học tốt Văn: 
- Cố gắng yêu văn, cố gắng hiểu nó, tạo cho mình hứng thú đối với môn này. 
- Cần khái quát, hệ thống lại mọi vấn đề theo sơ đồ tư duy, học dần dần trong cả một quá trình để có thể nhớ được nhiều và lâu nhất. 
- Chủ động tìm tòi, đọc thêm, ghi chép, tích cực viết và sửa bài, tạo thói quen liên tưởng, so sánh mỗi khi đọc, học được một vấn đề nào đó. 

Muốn làm văn tốt 
- Nắm vững các kiến thức cơ bản, cách làm đối với từng dạng bài 

- Hiểu đề, lập dàn ý trước khi tiến hành làm. Khi cầm đề văn trên tay, trong đầu lập tức hình thành nhiều ý tưởng, hãy tranh thủ ghi hết ra giấy, những ý tưởng ban đầu bao giờ cũng là cái của mình – cái có thể dễ dàng tạo điểm nhấn cho bài, hoặc những dẫn chứng mà biết đâu nếu không ghi lại, đến lúc cần đưa vào bài chúng ta lại “nhớ mãi không ra”, và ra khỏi phòng thi thì sực nhớ và tiếc vì đã quên đưa cái nọ cái kia vào bài. 

- Vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác, huy động tối đa, tổng hợp nhiều mảng kiến thức: lý luận, thực tiễn, kiến thức về tác giả, tác phẩm... 

- Phân bố thời gian hợp lý 

- Giữ được tâm lý thoải mái, bình tĩnh khi đọc đề. Không nên dễ dàng hoang mang vì suy cho cùng, đề bài có diễn đạt vòng vo thế nào thì các vấn đề cũng chỉ có bấy nhiêu, không hề đánh đố. Khi bị ức chế không nghĩ ra gì để viết hãy hít thở thật sâu, cố gắng tập trung khi làm bài. 

Phụ lục: Các tài liệu tham khảo 
- Sách giáo khoa cơ bản, nâng cao, bài giảng của các thầy cô giáo 
- Bài làm tốt của những anh chị đi trước, bài thi được điểm cao. 
- Các sách bình giảng tác phẩm trong nhà trường của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Suyền, Trần Đình Sử. 
- “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân. 
- “Thi nhân Việt Nam” – Hoài Thanh, Hoài Chân 
- Các sách, báo, TV, tạp chí, internet có những câu chuyện bài học cuộc sống nhẹ nhàng, ý nghĩa, những tấm gương tiêu biểu, cập nhật tình hình các hiện tượng xã hội đáng chú ý. 
- Các bài văn đạt giải quốc gia. 

Trên đây là những chia sẻ cơ bản nhất xoay quanh môn học khá là....khó này. Những chia sẻ cụ thể về các vấn đề lý luận văn học, các chuyên đề văn học, các dạng bài... sẽ được trình bày ở những chuyên đề sau. 

ليست هناك تعليقات

Latest Articles